DÒNG SÔNG NÂU - CHUYỆN ĐỜI, CHUYỆN NGHỀ (P3-cuối)

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Như Quý, nguyên là Giảng viên Bộ môn Công nghệ VLXD, Khoa VLXD

"Vết nứt của Thuỷ Điện Sơn La có thể đã cứu mạng sống của tôi".
 
                Đã 10 năm trôi qua kể từ ngày Công trình Thuỷ điện Sơn La thi công khối bê tông đầm lăn đầu tiên - tháng 5 năm 2008. Khí thế tại công trường lúc đó làm tôi nhớ lại chiến dịch tổng tấn công mùa xuân nhiều thập niên về trước. Thành phần bê tông đầm lăn do công ty Elinco Thuỵ sỹ dưới sự chỉ đạo thiết kế của GS. Dunstain M. người Anh mặc dù có nhiều tranh cãi đã được Tổng Công ty Điện lực VN - EVN duyệt cho phép thực hiện.
          Tôi và các đồng nghiệp Nhật Bản đến từ Nipon Koye có phần lo lắng. Nguyên nhân là do thành phần bê tông đầm lăn đó có hàm lượng bột quá lớn vượt ra ngoài giới hạn cần thiết. Theo đề xuất của chúng tôi (Công ty Tư vấn ĐHXD và Nipon Koye) có thể giảm 20-40 kg tro bay Phả Lại đồng thời tăng khoảng 10 kg xi măng PC 40 nhằm giảm co ngót của bê tông khi đông cứng. Mặt khác khi thi công bê tông đầm lăn, mỗi lớp đổ dày khoảng 30 cm phải được bảo dưỡng không dưới 24 giờ mới được phép tiến hành đổ lớp tiếp theo. Tuy nhiên với khí thế tiến công để về đích đúng hạn, bên nhà thầu đã bỏ qua quy trình này và thực hiện ba lớp đổ trong một ngày. Trong giai đoạn đó diễn biến tại công trình không khỏi làm xuất hiện trong tôi - thành viện của Hội đồng Nghiệm thu Công trình Thuỷ điện Sơn La sự lo lắng mơ hồ.
              Đến tháng 9 - 2008, chúng tôi được mời đến trụ sở của EVN tai phố HT, Hà Nội để nghe giải trình của EVN và chuyên gia đầu ngành Elinco - GS. Dunstain M. và cố vấn trường KS. Moriss, về ý định thay thế một phần tro bay qua tuyển Phả Lại (với hàm lượng than chưa cháy 2 đến 3 %) bằng tro không qua tuyển (với hàm lượng than chưa cháy từ 17 đến 35 %) mà theo họ cho phép tiết kiệm cho công trình có khối lượng bê tông đầm lăn khoảng 3 triệu mét khối một khoản tiền rất lớn. Hai chuyên gia của công ty Elinco đưa ra lý do là theo tiêu chuẩn Mỹ có thể sử dụng tro bay có hàm lượng than chưa cháy đến 12 % do đó việc sử dụng tro tuyển Phả Lại có hàm lượng than chưa cháy 2-3 % là lãng phí không cần thiết (vì 1 tấn tro tuyển giá lúc đó là khoảng 600 ngàn đồng). Bằng kiến thức thực tế và lý luận tôi cương quyết bác bỏ việc thay thế 50 % tro sạch bằng tro “bẩn” như sáng kiến của phía chuyên gia và EVN. Tôi vẫn nhớ khi tranh luận nóng đến đỉnh điểm, hai chuyên gia mặt đỏ gay, đập bàn tỏ vẻ bức xúc cực độ.
                 Chúng tôi lúc đó có 3 chuyên gia đầu ngành phía VN tham gia cuộc họp (chỉ có tôi sử dụng được tiếng Anh để tranh luận) cùng với sự có mặt GS Thái Phụng Nê - chủ tịch Hội đồng Thẩm định Công trinh TĐSL nguyên bộ trưởng Bộ Năng lượng, đặc phái viên của Thủ tướng chính phủ. Tôi lúc đó đã đưa ra đòn tấn công phủ đầu, dõng dạc hỏi một câu như sau: Khi ai đó cho một dọt nước bẩn vào một mét khối nước sạch thì các ngài hãy nói cho tôi biết nước đó có còn là nước sạch nữa hay không? Cả hội trường im phăng phắc. Sau đó GS. Thái Phụng Nê lên tiếng, ông nói: Sáng kiến sử dụng tro bay Phả Lại chưa qua tuyển có hàm lượng than chưa cháy lớn nên dừng lại ở đây để tiếp tục nghe ý kiến của các nhà “bác học” Việt Nam.

              Tôi thở phào như trút được gánh nặng. Với quyền hạn được giao, với tầm nhìn, kinh nghiệm và linh cảm nghề nghiệp GS. đã làm được một việc lớn cho đất nước đó là chặn đứng hành động vội vã, thiếu cơ sở khoa học có thể có động cơ lợi ích nhóm của một ai đó bất chấp tầm quan trọng của con đập lớn nhất Đông Nam Á với số vốn bỏ ra xấp xỉ 4 tỷ đô la này.
Sau đó không lâu một đồng nghiệp cũng là người bạn thân suốt 30 năm của tôi, người có quan hệ rất rộng trong giới khoa học và đầu tư đã gặp tôi và báo cho tôi biết phải hết sức cẩn thận. Lý do có một nhóm người nhắn gửi qua ông là họ sẽ khử tôi như một kẻ chọc gậy bánh xe, kỳ đà cản mũi làm thất bại ý đồ của họ. Mấy đêm đó tôi trằn trọc không ngủ và quyết định gọi điện báo cho đồng chí Tồng thư ký hội đồng nghiệm thu Công trinh Thuỷ điện Sơn La. Nhận được lời động viên của lãnh đạo tôi dần lấy lại được cân bằng trong cuộc sống hàng ngày. Thời gian đó có lúc tôi đã từng nghĩ: Giá như họ lấy cái chết để ngăn chặn những nhà khoa học tâm huyết với đất nước thì cái chết đó không hề vô ích.
                 Nhưng đến tháng 11 năm đó, năm 2008 gần sáu tháng sau khối bê tông đầm lăn đầu tiên được đổ thì vết nứt xuất hiện trên thân đập chính. Cả nước bàng hoàng, truyền thông đưa tin với loạt bài viết về sự kiện này. Tâm trạng lúc đó của tôi khá lẫn lộn. Một mặt hết sức lấy làm tiếc vì đã không thuyết phục được EVN sử dụng thành phần bê tông đầm lăn của ĐHXD do tôi chủ trì (hoặc của Công ty Nipon Koye) đế xẩy ra nứt do co ngót mà nguyên nhân chính theo tôi nhận định là do sử dụng quá nhiều tro bay, ít xi măng trong bê tông đầm lăn. Mặt khác tôi cho rằng kẻ bắn tin thủ tiêu nhà khoa học đã vạch mặt chỉ tên chúng có lẽ đã không còn ý định thực hiện âm mưu bẩn thỉu của họ. Vết nứt của Thuỷ Điện Sơn La có thể đã cứu mạng sống của tôi là thế đó.
Ảnh chụp tác giả cùng GS. Somnuk T. trên đỉnh đập thủy điện Sơn La


Ảnh chụp tác giả cùng KS. phó giám đốc và các GS. chuyên gia của Viện SIIT, Siam Cemt Corp. cục Thủy Lợi Thái Land trong gian máy phát điện nhà máy thủy điện Sơn La


Ảnh chụp tác giả cùng KS. Đức -Phó Tổng giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La


- HẾT -

Tin tức & Sự kiện liên quan khác

Zalo
favebook