GIỚI THIỆU CÔNG TRÌNH "MÔ HÌNH NHÀ THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG SỬ DỤNG KIỆN RƠM ÉP" - KẾT QUẢ CỦA DỰ ÁN REBUMAT VỀ: TÀI NGUYÊN - XÂY DỰNG HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VẬT LIỆU XÂY DỰNG BỀN VỮNG.
Ngày 17/5/2024, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Trường ĐH Kỹ thuật Lubeck, CHLB Đức, mô hình nhà thân thiện môi trường sử dụng kiện rơm ép đã được giới thiệu đến các chuyên gia, các nhà khoa học và các bạn sinh viên Trường ĐHXDHN. Đây là kết quả thực hiện của Dự án ReBuMat về "Tài nguyên - Xây dựng hiệu quả sử dụng vật liệu xây dựng bền vững", quy trình xây dựng mô hình nhà này sẽ được trình diễn tại Cơ sở 2 Hà Nam của Trường ĐHXDHN.

 
Tham dự buổi giới thiệu công trình có GS.TS. Dirk Schwede - ĐH Kỹ thuật Lubeck, CHLB Đức; Đại diện Viện Vật lý công trình Fraunhofer IBP, Viện Công nghệ Campuchia, Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam và Đại diện nhà thầu: Công ty Cổ phần đầu tư Smart Solutions Việt Nam. Về phía Trường ĐHXDHN có PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang - Phó Hiệu trưởng; GS.TS Nguyễn Văn Tuấn - Chủ nhiệm Dự án; TS. Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng HTQT; cùng các nhà khoa học, các giảng viên thành viên Dự án ReBuMat.
Việt Nam với lợi thế là một quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu lúa gạo, vì thế các phế phẩm nông nghiệp hàng năm có khối lượng rất lớn. Dự án ReBuMat về "Tài nguyên - Xây dựng hiệu quả sử dụng vật liệu xây dựng bền vững" do các chuyên gia của ĐH Kỹ thuật Lubeck, Viện Vật lý công trình Fraunhofer, CHLB Đức đã tham gia và hỗ trợ sự phát triển các đối tác ở Việt Nam về mảng vật liệu xây dựng bền vững, hiệu quả nguồn tài nguyên. Từ những kết quả nghiên cứu của Dự án, mô hình Nhà thân thiện môi trường sử dụng kiện rơm ép là sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam do các chuyên gia CHLB Đức hỗ trợ xây dựng. Rơm sau khi thu hoạch lúa được thu gom và xử lý sẽ được sử dụng thành vật liệu làm tường và mái công trình, trên cơ sở kết cấu gỗ. Các vật liệu sau khi được xử lý có khả năng chống cháy lan, chống ẩm, cách âm, cách nhiệt và tạo sự thoải mái cho người sử dụng.
Công trình sẽ sử dụng lâu dài phục vụ việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ như một sản phẩm khoa học có ý nghĩa của việc hợp tác giữa Trường ĐHXDHN và ĐH Kỹ thuật Lubeck. Hi vọng sau sản phẩm đầu tiên sẽ có nhiều công trình khác được xây dựng, góp phần sử dụng hiệu quả các phế phẩm từ nông nghiệp tại Việt Nam.






Zalo
favebook