Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, song song với công tác giảng dạy, Khoa Vật liệu xây dựng luôn đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học  và chuyển giao công nghệ với định hướng:
1- Gắn kết với đào tạo để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao;
2- Tạo ra các sản phẩm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chất lượng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội;
3- Hướng tới hội nhập quốc tế.
Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu của Trường và Khoa còn hạn chế, có thể nói Khoa Vật liệu xây dựng là một trong những khoa có hoạt động nghiên cứu khoa học sôi nổi nhất của Trường Đại học Xây dựng. Các cán bộ trong Khoa đã thực hiện rất nhiều các đề tài nghiên cứu các cấp: từ cấp Trường, cấp Tỉnh, cấp Bộ đến cấp Nhà nước và có nhiều công trình khoa học được đăng tải trên các tạp chí, tuyển tập khoa học trong và ngoài nước. Các hướng nghiên cứu lớn của Khoa Vật liệu xây dựng tập trung vào các vấn đề:
- Nghiên cứu nâng cao các tính năng của các loại vật liệu: chất kết dính, bê tông, gốm sứ xây dựng;
- Nghiên cứu các loại vật liệu mới có các tính năng đặc biệt và công nghệ chế tạo chúng;
- Nghiên cứu chế tạo thiết bị và hoàn thiện, kiểm soát các công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng nhằm nâng cao chất lượng vật liệu và năng suất quá trình;
- Nghiên cứu sử dụng các loại phế thải phế liệu, vật liệu địa phương để sản xuất vật liệu xây dựng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và kỹ thuật cao…
Các đề tài nghiên cứu do các nhà khoa học trong Khoa thực hiện không chỉ mang tính lý thuyết mà luôn bám sát yêu cầu thực tế, kết hợp với nghiên cứu để phục vụ công tác đào tạo, phục vụ ngành xây dựng. Nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng đã gắn liền với nội dung của các luận văn thạc sỹ và luận án tiến sỹ. Khoa Vật liệu xây dựng đã hợp tác với nhiều chuyên gia trong và ngoài trường cùng tham gia nghiên cứu, triển khai ứng dụng. Đặc biệt, Khoa phối hợp chặt chẽ với Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng VLXD Nhiệt đới (nay là Viện nghiên cứu và ứng dụng VLXD Nhiệt đới) thực hiện nhiều hợp đồng nghiên cứu, tư vấn đầu tư, lập dự án khả thi cho các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, thiết kế, thi công, giám sát và chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng.
Hiện nay, Khoa Vật liệu xây dựng đang đặt trọng tâm vào việc hợp tác, xây dựng các nhóm nghiên cứu liên ngành, quốc tế đủ mạnh nhằm giải quyết những vấn đề trong các định hướng khoa học công nghệ lớn của Nhà nước, các Bộ ngành, và những vấn đề thực tế đang yêu cầu cấp thiết của lĩnh vực xây dựng, như: gạch không nung, sử dụng tro xỉ nhiệt điện và các loại phế thải chế tạo vật liệu xây dựng, vật liệu cho công trình biển đảo, vật liệu xanh; bê tông cản phóng xạ, bê tông chất lượng cao và siêu cao… Các cán bộ trong Khoa Vật liệu xây dựng đã và đang tham gia với vai trò quan trọng trong các dự án hợp tác quốc tế, liên kết với các nước tiên tiến như Nhật Bản, CHLB Đức, Anh…:
- Dự án hợp tác quốc tế SATREPS giữa Trường ĐH Xây dựng và Trường ĐH Saitama, Nhật Bản “Establishment of Environmentally Sound Management of Construction and Demolition Waste and Its Wise Utilization for Environmental Pollution Control and for New Recycled Construction Materials”.
- Dự án hợp tác quốc tế CAMaRSEC giữa Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Viện VLXD, Trường Cao đẳng XDCT đô thị với các đối tác CHLB Đức là Trường ĐH Stuttgart, Trường ĐH Hamburg, Viện Vật lý kiến trúc Fraunhofer Climate-adapted Material Research for the Socio-economic Context in Vietnam”, CAMaRSEC project, NUCE (Vietnam), Stuttgart University, Hamburg University, Institute of Building Physics- Fraunhofer (Germany)
- Dự án hợp tác quốc tế JSPS Core-to-Core giữa các đối tác Nhật Bản – Việt Nam – Thái Lan - Srilanka “Collaborative research network on standardization of design and construction for hot weather concreting based on Asian climate and materials”
Với chủ trương tăng cường chất lượng nghiên cứu, từng bước hội nhập các chuẩn mực quốc tế, số lượng các bài báo của cán bộ Khoa Vật liệu xây dựng đăng trên các tạp chí, hội thảo quốc tế uy tín ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, trong 7 tháng đầu năm 2020, cán bộ trong Khoa đã đăng 27 bài báo trên tạp chí, hội thảo quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus, dẫn đầu các khoa trong Trường Đại học Xây dựng.

Một số hình ảnh trong công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ:

Bê tông chịu nhiệt được ứng dụng tại Nhà máy Xi măng Hệ Dưỡng, 1990 - 1991


Thiết bị điều khiển tự động hoặc bán tự động chế độ gia công nhiệt - sản phẩm thuộc 34-95/KHCN-DA được áp dụng tại 36 nhà máy gạch Tuynel, 1994-1998

Đề tài quan trắc và phân tích môi trường vùng đất liền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ 1995 đến nay

Chống thấm mái bằng tấm trải liên kết mềm cho Công ty Sổ xố Kiến thiết Thủ Đô, 1997

Chuyển giao công nghệ bọc ống thép dẫn dầu bằng bê tông đặc biệt nặng - được lắp đặt cho nhiều tuyến ống dẫn dầu tại mỏ Bạch Hổ, 2000-2002

Ứng dụng công nghệ bọc ống dẫn dầu bằng vật liệu cách nhiệt Poly Urethane - Áp dụng bọc các ống dẫn dầu thô của Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro, 2000-2002

Tham gia tư vấn ứng dụng bê tông đầm lăn cho thân đập và tham gia Đoàn Chuyên gia Nhà nước kiểm tra Thuỷ điện Sơn La

Hợp tác với Bộ Quốc Phòng Tham gia khảo sát đảo Trường Sa trong Dự án ĐTB 11.4

Khảo sát hiện trạng và kiểm tra chất lượng kết cấu bê tông cốt thép, đề xuất giải pháp khắc phục khiếm khuyết kết cấu bê tông hệ dầm LP bến 2A/2B/3 gói thầu B2 dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, 2015

Nghiên cứu ứng dụng bê tông chất lượng siêu cao trong xây dựng cầu quy mô nhỏ và trung bình, 2019
Zalo
favebook