DÒNG SÔNG NÂU - CHUYỆN ĐỜI, CHUYỆN NGHỀ (P2)

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Như Quý, nguyên là Giảng viên Bộ môn Công nghệ VLXD, Khoa VLXD.
(Tiếp theo)
Vô tình đọc được bài thơ "Đêm đến với sông Đà" của tác giả Thúc Hà tôi tự hỏi điều gì đã gắn bó tôi với dòng sông hùng vĩ và thơ mộng này, phải chăng đó là duyên phận.
"Vụt ngẩng đầu, lấp lánh sao sa
Ta đặt trái tim giữa dòng nước chảy
Dòng máu - dòng sông chảy qua tim ấy
Sẽ bừng lên muôn nẻo sóng lung linh…"

Những tên người tên đất trước kia còn xa lạ với tôi giờ đã hoá thân quen. Nào Mường La với Ích Ong rồi bản Pểnh, nào nậm Chiến nậm Mu. Rồi những món ăn đặc sản vùng Tây Bắc như măng ngọt, ong đất, khoai môn tím hay gà đen Hmông. Rồi điệu xoè của những cô gái Thái mặc váy lụa đen tóc bới cao say sưa trong giai điệu khèn lả lướt. Rồi những bản nhà sàn thoắt ẩn thoắt hiện trong sương sớm đẹp như tranh vẽ.
Càng đi càng cảm nhận không đâu phong cảnh đẹp như đất nước mình, không đâu có những con người đôn hậu chân tình như những đồng bào mình.
Tôi nhớ dịp giữa 2006 được triệu tập đi công tác đột xuất tại công trình thuỷ điện Sơn La. Sau nửa ngày theo quốc lộ số 6 vượt hơn 300 km đèo dốc chiếc xe lancruser chở đoàn đỗ xịch trước sân của ban quản lý Thuỷ điện Sơn La. Giám đốc BQL - kỹ sư T. vội vã tiến về phía chúng tôi với nét mặt có vẻ đăm chiêu hơn thường lệ. Một con người vốn điềm tinh và kiệm lời nhưng dễ gần như anh ít để lộ cảm xúc nhưng không hiểu sao hôm nay tôi đọc được trên nét mặt đó sự lo lắng. Khi đã an toạ trong phòng khách, kỹ sư T. trao đổi nhanh với đoàn về sự cố mới xẩy ra trên công trình thế kỷ này.

Số là nhà thầu vừa hoàn thành xây dựng kênh dẫn dòng với khối lượng hàng chục ngàn mét khối bê tông. Tuy nhiên khi kiểm tra chất lượng thì bê tông không đạt mác 200 như thiết kế yêu cầu. Sự việc ngay lập tức được bên cơ quan an ninh biết và vào cuộc điều tra làm rõ. Qua thông tin không chính thức có khoảng 60 nhân viên an ninh được bí mật bố trí giám sát công tác xây dựng thuỷ điện Sơn La. Họ có thể là công nhân, kỹ sư, nhân viên phục vụ, lái xe... là những trinh sát ngoại tuyến thu thập tin tức báo cáo về cơ quan an ninh có nhiệm vụ bảo vệ công trình này. Bên an ninh đã mời một công ty tư vấn uy tin từ Hà Nội lên Sơn La tiến hành khoan lấy mẫu trực tiếp tại kênh dẫn dòng. Kết quả thử trên mẫu khoan cũng chỉ đạt 180 kgL/cmv, thấp hơn mác bê tông thiết kế. Khi tìm hiểu tôi được biết nhà thầu đã sử dụng xi măng PCB Mai Sơn là nhà máy xi măng mới được đầu tư xây dựng trong khu vực Sơn La thay cho xi măng trung ương chở từ xuôi lên. Tuy nhiên để sản xuất loại xi măng này họ đã sử dụng clanhke nhập từ Trung Quốc. Còn phụ gia puzơlan được lấy ngay tại Mai Sơn. Vấn đề trở nên phức tạp. Trong trường hợp xấu nhất nếu không có cách giải quyết sẽ phải dừng thi côn,g thậm chí phải phá dỡ hàng chục ngàn mét khối bê tông được cho là không đạt chất lượng. Tất nhiên nếu điều đó xẩy ra sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ: loạt cán bộ, kỹ sư có thể bị kỷ luật thậm chí chịu trách nhiệm hình sự. Buổi chiều ngày hôm đó tổ chuyên gia HĐNTNN họp cùng ban GĐ, BQL và nhà thầu. Không khí nặng nề như sắp có bão. Sau khi nhiều ý kiến được nêu từ nhiều phía vẫn không đi đến kết luận. Đến lượt tôi trình bày quan điểm của mình. Mọi con mắt dồn về phía tôi. Giây phút đó giọng nói của tôi cũng hơi run vì căng thẳng. Tôi đã khảng định một cách chắc chắn rằng chất lượng bê tông của kênh dẫn dòng là hoàn toàn đạt yêu cầu xuất phát từ các cơ sở khoa học cụ thể là:

1. Nguyên nhận giảm mác bê tông mà tôi phát hiện là do khi thay xi măng PCB trung ương bằng PCB Mai Sơn là do nhu cầu nước của xi măng Mai Sơn cao hơn khoảng xấp xỉ 15% do tính chất của phụ gia puzơlan Mai Sơn bổ sung vào nghiền chung cùng clanhke Trung Quốc khác với phụ gia khoáng vẫn dùng cho xi măng trung ương. Hậu quả là làm tăng lượng cần nước của hỗn hợp bê tông và làm giảm cường độ của bê tông. Trong trường hợp đó đáng lẽ khi thay đổi loại xi măng nhà thầu cần thiết kế lại cấp phối bê tông và có cách điều chỉnh phù hợp. Nhưng họ đã không thực hiện mà chỉ đơn thuần tăng lượng nước trộn bê tông để đạt độ dẻo cần thiết khi thi công. Hậu quả làm giảm cường độ bê tông.
2. Mặt khác theo tiêu chuẩn Mỹ ACI (giai đoạn này VN chưa có tiêu chuẩn nghiệm thu bê tông tại hiện trường bằng mẫu khoan trực tiếp) cường độ mẫu khoan trực tiếp trên cấu kiện chỉ cần đạt 85% cường độ thiết kế yêu cầu. Vậy kết quả thử phòng thí nghiệm tuy thấp hơn yêu cầu nhưng kết quả thử trực tiếp do bên cơ quan an ninh trưng cầu giám định đạt 180 kgL/cmv tương đương 90% cường độ yêu cầu là hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Thế là ngòi nổ dường như treo trên đầu tất cả mọi người đã được tháo gỡ đúng lúc.
Khi tiễn đoàn chuyên gia lên xe về Hà Nội, giám đốc BQL công trình thuỷ điện Sơn La bắt tay tôi rất chặt. Nhìn vào mắt anh, một người đồng nghiệp, tôi như đọc được sự biết ơn và ngưỡng mộ. Anh nói nhỏ vào tai chỉ tôi đủ nghe: "Cảm ơn thầy nhiều" (dù anh là đồng niên và là cựu sinh viên của ĐHXD đang năm giữ cượng vị lớn với tổng kinh phí đầu tư gần 4 tỷ đô la của nhà nước). Tôi cũng loáng thoáng biết được sự cố này bên BQL công trình đã tốn hơn 1/3 tỷ chưa kể vất vả tổn hao về mặt tâm lý".
Hơn 300 km đường trở lại thủ đô đối với tôi hôm đó như ngắn lại. Xe chạy giữa mênh mông màu xanh của đồng ruộng bậc thang, của rừng xoài Yên Châu, của thảo nguyên Mộc Châu đẹp đến nao lòng. Trong đời ai cũng vậy vui nhất là khi ta cảm thấy mình đã làm được việc gì đó có ích dù là nhỏ nhoi.
(Còn nữa)
Hồ thuỷ điện trên dòng sông Đà

Ảnh phối cảnh thiết kế thuỷ điện Sơn La


Kênh đãn dòng sông Đà sử dụng cho công tác thi công thuỷ điện Sơn La

Tin tức & Sự kiện liên quan khác

Zalo
favebook