DÒNG SÔNG NÂU - CHUYỆN ĐỜI, CHUYỆN NGHỀ (P1)

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Như Quý, nguyên là giảng viên Bộ môn Công nghệ VLXD- Khoa VLXD.

Số phận gắn tôi với dòng sông này gần 10 năm có lẻ, chuyện đời chuyện nghề cũng theo thời gian mà dày lên. Niềm vui, tự hào đan xen trăn trở thôi thúc tôi viết ra những dòng tự sự này để được hiểu, được thông cảm và hy vọng qua một mảnh ghép nhỏ bé này bạn bè đồng nghiệp và học trò cũ của tôi có cái nhìn đa chiều, nhân văn về con người, xã hội và cuộc sống trong giai đoạn oằn mình lột xác để hoá rồng của đất nước ta hiện nay.

Một kỹ sư chính tốt nghiệp khoá 4 đại học Bách khoa Hà Nội, người có nhiều năm gắn bó trong tổ chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu nhà nước, cho tôi hay vì sao lại gọi con sông hùng vĩ đó, một con sông đã viết lên kỳ tích bởi những công trình thế kỷ của Việt Nam là sông Đà. Đà trong tiếng Việt Mường chỉ màu nâu, màu nâu của phù sa góp phần bồi đắp nên bình nguyên sông Hồng. Thế mà trong tiếng Nga và tiếng Anh ai đó lại dịch ra là “sông Đen” - (Black river hay Trua-rơ-nai-a re-ka). Họ không hiểu mầu đà gần gũi với chúng ta như thế nào. Đó là màu áo ông bà ta, mẹ cha ta và tuổi thơ ta đã khoác lên mình. Rất tiếc màu áo từng rất thân thương gần gũi đó giờ đây chỉ còn trong ký ức, rơi rớt lại còn chăng đó là tấm áo nâu sồng mà các tăng ni vẫn mặc. Nhưng màu nâu của phù sa sông Đà hàng ngàn vạn năm nay và mãi mãi về sau vẫn vây, không bao giờ đổi thay.

Hồi đó khi được tham gia trong nhóm thẩm định thiết kế kỹ thuật công trình thuỷ điện Sơn La với tư cách nhà tư vấn trong nước cùng với tư vấn thẩm định quốc tế là công ty Nipon Koye, Nhật Bản tôi cảm thấy thật mừng mà cũng thật lo. Mừng vì ngót hơn 25 năm tôt nghiệp ngành xây dựng từ Liên bang Nga trở về và hơn 5 năm đào luyện trong bốn trung tâm đại học quốc tế nổi tiếng, lần đầu tiên tôi được tham gia một công trình với tầm vóc thế giới và lớn thứ nhất Đông Nam Á này. Đúng là nuôi quân 30 năm dùng quân một lần. Thật háo hức nhưng trách nhiệm cũng rất to lớn.

Cũng trong thời gian này tôi có cơ may được gặp và làm việc cùng lớp đàn anh, nhiều đồng nghiệp Việt Nam và quốc tế. Phải kể đến PGS. Huỳnh Bá Kỹ Thuật, PGS. Nguyễn Văn An (ĐHXD)…Kỹ sư chính B.K.H. Viện Mỏ Địa chất, kỹ sư cao cấp B.T.K. nguyên giám đốc nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, GS. T.P.N đặc phái viên chính phủ nguyên bộ trưởng, nguyên giám đốc thuỷ điện Hoà Bình và thuỷ điện Thác Bà, TS. L.Q.H cục trưởng Bộ XD, Kỹ sư P.Đ.Đ. nguyên tổng giám đốc tổng công ty S.Đ… Đó là TS. Kajimoto, TS. Kitamura chuyên gia hàng đầu của Công ty Năng lượng Thuỷ điện Kanagawa một công ty số một của Nhật Bản trong lĩnh vực thuỷ điện, ký sư Araki, kỹ sư Shuchida đến từ Nipon Koye…
Tôi đã học được nhiều điều từ những con người này mà tâm đắc nhất đó là sự tận tuỵ vì nghề, sự dấn thân để bảo đảm chất lượng công trình. Tôi không thể không nhắc tên những người dù không trực tiếp tham gia công trình Thuỷ điện Sơn La, nhưng nếu không có kiến thức được họ truyền thụ thì hôm nay ngồi đây tôi không thể viết được những dòng này, đó là GS. Aoyagi Y. nguyên giám đốc khoa học CRIEPI Tokyo nguyên giảng viên Viện Công nghệ Á Châu, GS. Stroeven P. Đại học Tổng hợp Delft, Hà Lan,v.v…
(Còn nữa)
 
Một số hình ảnh 


Tin tức & Sự kiện liên quan khác

Zalo
favebook