GIỚI THIỆU VỀ KHOA VẬT LIỆU XÂY DỰNG
1. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ
1.1. Tiền thân của Ngành Vật liệu xây dựng
Năm 1956, công tác đào tạo ngành Vật liệu xây dựng (VLXD) được nhen nhóm hình thành. Lúc này việc giảng dạy môn học VLXD do Bộ môn Cơ sở phụ trách giảng dạy. Bên cạnh đó, Bộ môn Cơ sở còn giảng dạy nhiều môn học khác, như: Sức bền vật liệu, Trắc địa, Cơ học đất, … KS. Lê Đỗ Chương - kỹ sư được đào tạo ở Trung Quốc, là giảng viên đầu tiên được giao nhiệm vụ giảng dạy môn VLXD cho các ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Cầu đường, Thủy lợi, … thuộc Khoa Xây dựng, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội lúc đó. KS. Lê Đỗ Chương cùng với một số cán bộ trung cấp và công nhân kỹ thuật phục vụ giảng dạy, là nhóm cán bộ đã đặt nền móng đầu tiên cho sự hình thành và phát triển của ngành VLXD.
Đến năm 1957, Bộ môn VLXD được thành lập, do KS. Lê Đỗ Chương là chủ nhiệm bộ môn.
Năm 1960- 1962, Bộ môn VLXD được bổ sung thêm một số kỹ sư trong đó có KS. Đỗ Thúc Tuấn, KS. Hoàng Phủ Lan - khoá 3 ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp, KS. Nguyễn Tấn Quý - khoá 3 ngành Xây dựng Thủy lợi và thủy điện đều thuộc Khoa Xây dựng, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội...
Năm 1962, Phòng Thí nghiệm VLXD được xây dựng dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô.
Trong những năm 1960, để chuẩn bị lực lượng cán bộ cho xây dựng đất nước sau khi kết thúc chiến tranh và xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước chủ trương mở rộng công tác đào tạo, chuẩn bị tách Khoa Xây dựng khỏi Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội để thành lập Trường Đại học Xây dựng. Khi đó, KS. Bùi Văn Bội được giao nhiệm vụ soạn thảo đề cương thành lập ngành VLXD.
1.2. Các thời kỳ xây dựng và phát triển của Khoa VLXD
Ngày 08/8/1966 Hội đồng chính phủ ra Quyết định số 144/CP thành lập Trường Đại học Xây dựng.
a. Thời kỳ trực thuộc Khoa Xây dựng
Khi Trường Đại học Xây dựng thành lập, Bộ môn VLXD trực thuộc Khoa Xây dựng quản lý, sơ tán tại Thôn Tiểu Than - Huyện Gia Lương - Tỉnh Hà Bắc. Tháng 9/1966, ngành VLXD đã được thành lập 2 Bộ môn:
- Bộ môn VLXD đại cương do KS. Lê Đỗ Chương làm chủ nhiệm bộ môn. Bộ môn gồm có một số cán bộ giảng dạy: KS. Lê Đỗ Chương, KS. Phan Xuân Hoàng, KS. Phan Khắc Trí, KS. Phùng Văn Lự, KS. Bùi Sỹ Thạnh, KS. Nguyễn Văn Lương, …, và các cán bộ phục vụ Phòng Thí nghiệm VLXD: Nguyễn Thị Lộc, Mai Thị Nhồng, Nguyễn Văn Đường,…
- Bộ môn VLXD chuyên ngành do KS. Đỗ Thúc Tuấn làm chủ nhiệm bộ môn. Bộ môn lúc này gồm có một số cán bộ giảng dạy: KS. Đỗ Thúc Tuấn, KS. Hoàng Phủ Lan, KS. Nguyễn Tấn Quý, KS. Mai Sỹ Tuấn, KS. Nguyễn Kim Huân, KS. Bùi Văn Bội, KS. Nguyễn Văn Phiêu, KS. La Phạm Hoàng,…
Một thời gian ngắn sau đó, Bộ môn VLXD đại cương đổi tên thành Bộ môn VLXD. Còn Bộ môn Vật liệu chuyên ngành đổi tên thành Bộ môn Công nghệ VLXD.
Tại Khoa Xây dựng, năm 1966 khoá sinh viên đại học đầu tiên của ngành VLXD được tuyển sinh, bao gồm 30 sinh viên là khoá 11 của Trường Đại học Xây dựng.
Năm 1970 - 1971, Trường Đại học Xây dựng tập trung xây dựng cơ sở mới tại Hương Canh, Huyện Bình Xuyên, Tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1971, đã xảy ra trận lụt lịch sử gây ngập nặng cho 3 khoa ở Gia Lương là: Khoa Xây dựng, Khoa Thuỷ lợi và Khoa Cơ khí xây dựng. Do vậy, Nhà trường càng đẩy mạnh hơn việc xây dựng và chuyển dần các đơn vị tập trung về Hương Canh. Để phục vụ cho công tác xây dựng, Trường Đại học Xây dựng thành lập Xưởng VLXD do KS. Hoàng Phủ Lan là Xưởng trưởng.
b. Thời kỳ hình thành Khoa VLXD - Kỹ thuật vệ sinh 1971-1986
Trước yêu cầu phát triển của các chuyên ngành đào tạo: VLXD, Cấp thoát nước, Thông gió - cấp nhiệt cả về quy mô và chất lượng đào tạo, năm 1971, được sự đồng ý của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và sự chỉ đạo của Đảng uỷ, Ban giám hiệu, Khoa VLXD - Kỹ thuật vệ sinh được thành lập, trên cơ sở tách ra từ Khoa Xây dựng. KS. Lê Đỗ Chương được bổ nhiệm là Trưởng Khoa (1971-1974).
Ngày 27/10/1975, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 426/TTg cho phép Trường Đại học Xây dựng di chuyển từ Hương Canh về Hà Nội.
Năm 1982, Ban Giám hiệu quyết định thành lập Phòng Nghiên cứu VLXD, tại nhà C3, Đại học Bách Khoa Hà Nội do PGS.TS. Hoàng Phủ Lan làm Trưởng phòng (1982-1999), phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và là cơ sở để triển khai dự án VH21 với Hà Lan. Khi đó, Phòng Thí nghiệm VLXD - thuộc Bộ môn VLXD - phục vụ đào tạo cho sinh viên trường và Phòng thí nghiệm thuộc Bộ môn Công nghệ VLXD đều ở khu sơ tán Hương Canh, Vĩnh Phú. Năm 1984, khi trường chuyển về Hà Nội, Phòng Thí nghiệm VLXD được chuyển về khu Đồng Tâm.
Năm 1983 - 1986, Trường chuyển về Hà Nội, Khoa VLXD - Kỹ thuật vệ sinh được bố trí về khu Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội. Các Bộ môn trong Khoa gồm:
03 bộ môn chuyên ngành:
- Bộ môn Công nghệ VLXD - Trưởng bộ môn là TS. Nguyễn Tấn Quý;
- Bộ môn Cấp thoát nước - Trưởng bộ môn là KS. Ngô Văn Sức;
- Bộ môn Thông gió - Cấp nhiệt - Trưởng bộ môn là TS.Trần Ngọc Chấn.
02 bộ môn cơ sở ngành:
- Bộ môn VLXD - Trưởng bộ môn là TS. Phùng Văn Lự;
- Bộ môn Nhiệt kỹ thuật - Trưởng bộ môn là KS. Phan Đình Hổ.
01 Bộ môn cơ bản:
- Bộ môn Hoá - Trưởng bộ môn là CN. Lê Sỹ Phóng.
c. Thời kỳ hình thành Khoa VLXD - Kỹ thuật môi trường 1986-1988
Ngày 17/4/1986, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã ký Quyết định số 100/CT phê duyệt Luận chứng kinh tế kỹ thuật Trường Đại học Xây dựng với tổng diện tích xây dựng gần 2 ha thuộc Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Như vậy, sau hơn 10 năm, Trường di chuyển từ Hương Canh về Hà Nội tại 4 địa điểm Cổ Nhuế, Phúc Xá, Bách Khoa, Đồng Tâm và cuối cùng được xây dựng ổn định tại cơ sở Đồng Tâm.
Năm 1986 - 1987, Khoa VLXD - Kỹ thuật vệ sinh được đổi thành Khoa VLXD - Kỹ thuật môi trường. Các đơn vị trong Khoa gồm:
- Bộ môn Công nghệ VLXD
- Bộ môn Cấp thoát nước
- Bộ môn Vi khí hậu công trình (Bộ môn Thông gió cấp nhiệt cũ)
- Bộ môn VLXD
- Bộ môn Nhiệt kỹ thuật
- Bộ môn Hoá học
- Phòng Nghiên cứu VLXD
d. Thời kỳ thành lập Khoa VLXD 1988 - đến nay
Năm học 1988 - 1989, Khoa VLXD được thành lập, tách ra từ Khoa VLXD - Kỹ thuật môi trường. Lúc này, GVC.KS. Nguyễn Hữu Thi được bổ nhiệm là Trưởng Khoa.
Năm 1989, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng VLXD nhiệt đới (NC&ƯDVLXDNĐ) được thành lập theo Quyết định số 957/QĐ-TCCB ngày 14/8/1989 của Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề (nay gọi là Bộ Giáo dục và Đào tạo). PGS.TS. Bùi Văn Bội được bổ nhiệm là Giám đốc Trung tâm (1989 - 1999), đồng thời là Trưởng Khoa VLXD (1989 -1997).
Trung tâm NC&ƯDVLXDNĐ là đơn vị kết hợp với Khoa trong công tác đào tạo, thực hiện triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp của các cán bộ trong Khoa, thực hiện các hợp đồng thiết kế, thi công và chuyển giao công nghệ sản xuất VLXD, bồi dưỡng và đào tạo các thí nghiệm viên về VLXD, bồi dưỡng các chuyên đề nâng cao trình độ cho các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý của các cơ sở đào tạo, cơ sở sản xuất VLXD.
Năm 1992, Trường Đại học Xây dựng có quyết định thành lập Xưởng Thực nghiệm VLXD thuộc Khoa VLXD.
Năm 1997, theo quyết định số 132/TCXD ngày 30 tháng 5 năm 1997 của Ban Giám hiệu trên cơ sở sát nhập 3 đơn vị: Phòng Thí nghiệm VLXD, phòng Nghiên cứu VLXD và Xưởng Thực nghiệm VLXD thành Phòng Thí nghiệm và Nghiên cứu VLXD. Trưởng phòng là PGS.TS. Hoàng Phủ Lan. Từ đó đến nay, cơ cấu tổ chức của Khoa VLXD được giữ ổn định bao gồm các đơn vị:
- Bộ môn Công nghệ VLXD;
- Bộ môn VLXD;
- Bộ môn Hoá học;
- Phòng Thí nghiệm và Nghiên cứu VLXD.
Năm 2000, Phòng thí nghiệm và Nghiên cứu VLXD được Bộ Xây Dựng cấp giấy chứng nhận về thí nghiệm và kiểm định chất lượng VLXD theo quyết định thành lập số 188/QĐ-BXD ngày 28 tháng 1 năm 2000 với mã LAS-XD115.
Năm 2014, Viện NC&ƯDVLXDNĐ được chuyển đổi từ Trung tâm NC&ƯDVLXDNĐ theo Quyết định số 1544/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 05 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Viện hoạt động theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP được ban hành ngày 05/9/2005, Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Theo Quy định này, hoạt động của Viện mang tính độc lập cao với hoạt động của Khoa. Tuy nhiên, hầu hết các cán bộ chủ chốt của Viện vẫn là CBVC thuộc Khoa.
Trong hơn 50 năm hình thành và phát triển, với 17 năm sơ tán và hơn 33 năm trở lại Hà Nội, Khoa VLXD đã trải qua những ngày đầy khó khăn, thiếu thốn phải di chuyển nhiều nơi. Nhưng tập thể cán bộ viên chức, sinh viên và học viên Khoa VLXD luôn nỗ lực hết mình góp sức quá trình xây dựng và phát triển Trường Đại học Xây dựng nói chung và Khoa VLXD nói riêng.
2. ĐỘI NGŨ CÁN BỘ
Những ngày đầu nhen nhóm hình thành tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đầy khó khăn, thiếu thốn, đội ngũ cán bộ ít ỏi chỉ có một vài kỹ sư từ các lĩnh vực khác nhau được phân công giảng dạy môn VLXD. Tiếp sau đó, các cán bộ của Khoa cùng toàn Trường phải sơ tán nhiều nơi trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, từ Lũng Vài - Lạng Sơn, tiếp theo Tiểu Than - Gia Lương - Hà Bắc, đến những năm tháng ở Hương Canh - Bình Xuyên - Vĩnh Phú. Nhiều thầy cô, CBVC vì nhiệm vụ, vì sự phân công của Nhà nước đã chuyển công tác. Tuy nhiên, lực lượng các cán bộ viên chức Khoa VLXD vẫn liên tục được bồi dưỡng xây dựng và đã có bước trưởng thành đáng kể về số lượng và chất lượng. Khoa đã có 3 TSKH, 26 Tiến sĩ, 19 Thạc sĩ; đã có 3 giảng viên được phong hàm Giáo sư, 12 giảng viên được phong Phó giáo sư và có 6 Nhà giáo ưu tú. Nhiều CBVC có trình độ, phẩm chất tốt được tín nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo trong Trường và trong Khoa.
Hiện nay, trong tổng số 48 CBVC đương nhiệm và CBGD thỉnh giảng có: 40 cán bộ có trình độ trên Đại học (chiếm 83%) trong đó có: 02 Giáo sư, 8 Phó giáo sư; 3 TSKH, 14 Tiến sĩ, 16 Thạc sĩ; và 8 cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng.
Tập thể cán bộ viên chức trong Khoa
3. ĐÀO TẠO
Khoa VLXD tự hào là cơ sở đầu tiên trong cả nước đào tạo kỹ sư ngành Công nghệ kỹ thuật VLXD. Trong những năm vừa qua, Khoa đã có nhiều bước phát triển trong công các đào tạo như sau:
3.1. Ngành đào tạo và bậc đào tạo
a. Đào tạo đại học
- Từ năm 1966 đến nay, liên tục đào tạo bậc đại học ngành Công nghệ kỹ thuật VLXD.
- Từ năm 2017 đến nay, đào tạo chuyên ngành VLXD thuộc Chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao Việt- Pháp (PFEIV).
- Từ năm 2020, bắt đầu tuyển sinh ngành Kỹ thuật Vật liệu được xây dựng theo cách tiếp cận CDIO.
b. Đào tạo Sau Đại học
Năm 1998, khóa cao học ngành Kỹ thuật vật liệu đầu tiên được mở. Năm 1980, Khoa VLXD bắt đầu đào tạo tiến sĩ. Trong những năm gần đây, Khoa đã mở rộng tuyển sinh học viên cao học tốt nghiệp từ nhiều ngành học của các trường đại học khác nhau; đồng thời, mở rộng hợp tác với các đơn vị gắn đào tạo với thực tế, nổi bật là sự hợp tác với TCT. Viglacera.
3.2. Các loại hình đào tạo
Trong suốt thời gian hình thành và phát triển, Khoa VLXD đã có các hình thức đào tạo như sau: hệ Chính quy (giữ vai trò chủ yếu), hệ Vừa làm vừa học, hệ Chuyên tu (kết thúc tuyển sinh vào năm 1983), hệ Bằng hai và hệ Liên thông.
Trải qua hơn 50 năm hình thành và phát triển liên tục, Khoa VLXD đã đào tạo được trên 3000 kỹ sư VLXD, trong đó có trên 2800 kỹ sư hệ chính quy, 50 kỹ sư hệ chuyên tu, 145 kỹ sư hệ vừa làm vừa học; hơn 160 thạc sĩ và 18 tiến sĩ ngành Kỹ thuật vật liệu.
4. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ
Khoa VLXD luôn định hướng: song song với công tác giảng dạy, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học. Có thể nói, Khoa VLXD là một trong những khoa có hoạt động nghiên cứu khoa học sôi nổi nhất của Trường Đại học Xây dựng. Các cán bộ trong Khoa đã thực hiện rất nhiều các đề tài nghiên cứu các cấp: từ cấp Trường, cấp Tỉnh, cấp Bộ, cấp Nhà nước và các dự án, đề tài hợp tác quốc tế. Có nhiều công trình khoa học được đăng tải trên các tạp chí, tuyển tập khoa học trong và ngoài nước. Trong hơn 50 năm qua, các hướng hoạt khoa học công nghệ của Khoa VLXD tập trung vào các vấn đề:
- Nghiên cứu nâng cao các tính năng của các loại vật liệu: chất kết dính, bê tông, gốm sứ xây dựng;
- Nghiên cứu các loại vật liệu mới có các tính năng đặc biệt và công nghệ chế tạo chúng;
- Nghiên cứu chế tạo thiết bị và hoàn thiện, kiểm soát các công nghệ sản xuất VLXD nhằm nâng cao chất lượng vật liệu và năng suất quá trình;
- Nghiên cứu sử dụng các loại phế thải phế liệu, vật liệu địa phương để sản xuất VLXD nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và kỹ thuật cao…
- Kiểm định chất lượng vật liệu và đánh giá, quan trắc và phân tích môi trường
Các đề tài nghiên cứu do các nhà khoa học trong Khoa thực hiện không chỉ mang tính lý thuyết mà luôn bám sát yêu cầu thực tế, kết hợp với nghiên cứu để phục vụ công tác đào tạo, phục vụ ngành xây dựng. Khoa VLXD đã hợp tác với nhiều chuyên gia trong và ngoài trường cùng tham gia nghiên cứu, triển khai ứng dụng. Đặc biệt, Khoa phối hợp chặt chẽ với Trung tâm NC&ƯDVLXDNĐ (nay là Viện NC&UWDVLXDNĐ) thực hiện nhiều hợp đồng nghiên cứu, tư vấn đầu tư, lập dự án khả thi cho các nhà máy sản xuất VLXD, thiết kế, thi công, giám sát và chuyển giao công nghệ sản xuất VLXD, ...
Hiện nay, trong hoạt động nghiên cứu khoa học, Khoa VLXD đang đặt trọng tâm vào việc hợp tác, xây dựng các nhóm nghiên cứu liên ngành mạnh nhằm giải quyết những vấn đề trong các định hướng khoa học công nghệ lớn của Nhà nước, các Bộ ngành, và những vấn đề thực tế đang yêu cầu cấp thiết của lĩnh vực xây dựng, như: gạch không nung, sử dụng tro xỉ nhiệt điện và các loại phế thải chế tạo VLXD, vật liệu cho công trình biển đảo, vật liệu xanh; vật liệu tính năng cao;…
5. HỢP TÁC ĐỐI NGOẠI
Trong hơn 50 năm hình thành và phát triển, Khoa VLXD đã xây dựng mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với các đơn vị trong và ngoài nước. Trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, Khoa thường xuyên có quan hệ hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu trong nước: Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh,… Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Viện VLXD, Viện Khoa học Việt Nam, Viện Khoa học kỹ thuật giao thông vận tải, Viện Kỹ thuật xây dựng Hà Nội, … Khoa cũng là thành viên của các hiệp hội, ngành nghề: Hiệp hội Xi măng, Hiệp hội Gốm sứ, Hội VLXD, Hội Công nghiệp Bê tông, Hội Xây dựng, Hội Thuỷ tinh - Kính xây dựng…
Khoa thường xuyên nối kết và nhận được nhiều sự giúp đỡ, hợp tác của các công ty, nhà máy ngành xây dựng nhất là các đơn vị sản xuất VLXD, như: Tổng công ty và các đơn vị thuộc TCT. Viglacera; CTCP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai (XMCC); CTCP Silkroad Hà Nội (SilkRoadHanoi); CTCP Bê tông xây dựng Hà Nội (VIBEX); CTCP Đầu tư và Bê tông Thịnh Liệt- UDIC; Nhà máy Gạch ốp lát Sao Đỏ, CTCP Trúc Thôn (TrucThonJSC); Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch,...
Khoa VLXD cũng có sự hợp tác chặt chẽ trong đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường Đại học trên thế giới, như: Đại học Công nghệ Delft - Hà Lan; Đại học Kiến trúc - Xây dựng Weimar - Cộng hoà Liên bang Đức; Đại học Tổng hợp kỹ thuật xây dựng MGSU - Cộng hoà Liên bang Nga; Viện Công nghệ Quốc Tế Shirindhorn, Đại học Thammasat- Vương Quốc Thái Lan; Đại học Liverpool, Đại học Loughborongh, Queen’s Belfast - Vương quốc Anh; Đại học Quốc lập Đài Loan Đại học Saitamar - Nhật Bản; các Viện InSA- Pháp;….
6. CỰU SINH VIÊN
Trải qua hơn 50 năm phát triển, với uy tín của một đơn vị đào tạo hàng đầu của đất nước về lĩnh vực VLXD, Khoa đã xây dựng được đội ngũ giảng viên giỏi, tâm huyết với nghề nghiệp, chương trình đào tạo được cập nhật và môi trường đào tạo thân thiên. Đây chính là các yếu tố quan trọng chắp cánh cho sự thành công trong tương lai của người học.
Với hành trang tư duy khai mở, kiến thức nền tảng và lòng yêu nghề, các cựu sinh viên, học viên của Khoa luôn nỗ lực rèn luyện, phấn đấu đạt được những thành công trên nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể kể đến một số tên tuổi như: thiếu tướng Nguyễn Văn Tươi- Cục trưởng Cục Doanh trại, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng; Ông Phạm Minh Huấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang; Ông Vũ Văn Diện- Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh, Bí thư Thành ủy Hạ Long; Ông Nguyễn Anh Tuấn- Tổng giám đốc, Tổng công ty Viglacera CTCP, Bà Đỗ Thị Liên, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần bê tông - thép Ninh Bình, Anh hùng Lao động trong thời kì đổi mới, PGS.TS. Lê Trung Thành- Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng,…
Hơn nữa, khi còn trên ghế nhà trường, sinh viên Khoa VLXD luôn có truyền thống gắn bó với các thầy cô trong Khoa, trong Trường và có rất nhiều hoạt động sôi nổi. Chắc hẳn, nhiều thế hệ sinh viên còn nhớ đến những cái tên Dũng “sứt” 22VL, Lê Quảng Hà 30VL – “Beatles Xây dựng” ... Truyền thống tốt đẹp đó tiếp tục được truyền lửa đến những thế hệ tiếp theo và tạo ra cộng đồng đông đảo các cựu sinh viên luôn ủng hộ, hướng về ngôi nhà VLXD.
Với bề dày hơn 50 năm đào tạo, những truyền thống quý báu, đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, nhiệt tình, giàu lòng yêu nghề và sự kết nối, gắn bó giữa các thế hệ, Khoa Vật liệu Xây dựng tin tưởng rằng sẽ tiếp tục là cơ sở đào tạo hàng đầu về lĩnh vực vật liệu trong cả nước và cùng với Nhà trường sẽ vươn lên là trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và hội nhập quốc tế.
7. MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA CÁC BỘ MÔN
Bộ môn Công nghệ Vật liệu xây dựng
Bộ môn Vật liệu xây dựng
Bộ môn Hoá học
Phòng Thí nghiệm và Nghiên cứu VLXD